Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Việt Nam đóng tàu tuần tra mới Project 10.412


Ngày 12/11 nhà máy đóng tàu Almaz ở St Petersburg (Nga) tiến hành đóng mới tàu tuần tra thuộc Project 10.412  theo yêu cầu của Việt Nam.
Project 10.412 là một phần trong tổng thể của dự án đóng mới các tàu tuần tra ven biển và tập trung vào đóng các tàu tuần tra cao tốc, làm nhiệm vụ ngăn chặn các hoạt động xâm nhập bất hợp pháp vào vùng lãnh hải, bảo vệ tàu thuyền và an toàn hàng hải trước các cuộc tấn công của đối phương, giám sát vùng đặc quyền kinh tế.

Vũ khí chính của tàu bao gồm pháo hạm AK-176M- 76,2mm, pháo bắn nhanh AK-306,  hai súng máy 14,5mm, giá phóng cùng 16 tên lửa đối không tầm thấp Igla.

Tàu tuần tra ven biển thuộc Project 10.412.

Tàu tuần tra thuộc Project 10.412 được khởi xướng vào năm 2009, tàu có lượng giãn nước là 356 tấn, dài 49,5m, rộng 9,2m, mớn nước 2,4m, thủy thủ đoàn 28 người, thời gian hoạt động liên tục 10 ngày. Tàu được trang bị 3 động cơ diesel công suất 4.800 mã lực, tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ (56km/h), tầm hoạt động 2.200 hải lý. 
Tàu có khả năng hoạt động rất cao trên biển, tàu có thể hoạt động trong điều kiện biển động cấp 7. Đặc biệt, tàu được thiết kế đặc biệt để hoạt động tốt trên các vùng có khí hậu nóng ẩm cao.

Trước đó vào năm 2002, nhà máy đóng tàu Almaz ở St Petersburg đã bàn giao hai chiếc tàu tuần tra cao tốc Svetlyak thuộc Project 10.410 cho Hải quân Nhân Dân Việt Nam.

Trước những diễn biến phức tạp trong khu vực, Việt Nam đầu tư một cách cân nhắc vào đội tàu tuần tra bảo vệ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, đảm bảo an toàn hàng hải, các hoạt động đánh bắt của ngư dân, cũng như tiến hành các hoạt động cứu hộ khi cần thiết.

>> Tàu Gerpard Việt Nam thử nghiệm bắn đạn thật
>> Giới thiệu xuồng cao tốc ‘cá mập biển Đông’
>> Chùm ảnh về khu trục hạm Gepard duy nhất trên biển
Quốc Việt (theo Arms-tass)

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

'Hậu duệ' súng chống tăng B-40 xuất hiện

Các thế hệ súng chống tăng RPG (ở Việt Nam thường gọi là B-40, B-41) đã nổi tiếng trên toàn thế giới, vì vậy, khi RPG-32 (Hashim) ra đời thu hút rất nhiều sự quan tâm từ dư luận.
Súng phóng lựu đa chức năng RPG-32 được phát triển giữa những năm 2005 và 2007 tại tổ hợp FGUP 'Bazalt' theo yêu cầu và đơn đặt hàng đã kí với Jordan.

Lô hàng RPG-32 'Hashim' được gửi tới Jordan từ Nga, nhưng sau đó nó sẽ được sản xuất hàng loạt cả súng lẫn đạn tại Jordan tại nhà máy JRESCO dưới với sự cho phép của Nga.

Khẩu RPG-32 này đã thừa kế những phát triển và thành công của các thế hệ súng phóng lựu và rocket của Nga từ trước đến nay, nó có thể sử sụng với nhiều loại mục tiêu đa dạng trên chiến trường, từ những xe tăng chủ lực, xe bọc thép cho đến những boong-ke, công trình quân sự và binh lính đối phương.
RPG-32
Sự đa năng này có được là nhờ RPG-32 có thể sử dụng tới 4 loại đạn – 2 loại cỡ 105mm và 2 loại đạn nhẹ và linh hoạt hơn cỡ 72mm. Ở mỗi cỡ nòng đều có 1 loại đạn HEAT (với loại đạn 105mm được thiết kế để chống lại tăng có giáp phản ứng nổ ERA) và 1 loại đạn FAE nhiệt áp nâng cao khả năng sát thương mảnh, chống lại các loại xe bọc giáp mỏng hay các mục tiêu “mềm”.

Súng phóng lựu đa nhiệm RPG-32 có kết cấu dạng modul bao gồm 2 phần chính: Một ống phóng ngắn, dùng nhiều lần, có tay cầm, hệ thống bắn và kính ngắm, bộ phận thứ 2 là hộp chứa đạn, sẽ được gắn vào phía sau súng để bắn và khi sử dụng xong sẽ tháo ra và vất đi để gắn hộp đạn khác (mỗi viên đạn PG-32V có một hộp chứa riêng).

Đạn dành cho RPG-32 đều sử dụng động cơ chất rắn cháy hết khi đạn còn trong súng, quả đạn được định hướng bằng các cánh đuôi.

Dưới đây là một số hình ảnh về loại súng và đạn này:
RPG-32 với 2 loại đạn chống tăng và nhiệt áp
 RPG-32 gồm 2 modul riêng biệt với kinh ngắm dùng nhiều lần

Quang Minh ( Báo đất việt )

Giải pháp thay thế xe tăng 'cụ rùa' T-54/55

T-54/55 đã lỗi thời nhưng vẫn có mặt ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, Cục Thiết kế chế tạo máy Kharkiv Morozov (KMDB) của Ukraine đưa ra gói nâng cấp T-55AGM dành cho dòng xe tăng huyền thoại này. 


T-54/55 ra đời từ những năm 1950, từ đó đến lúc ngừng sản xuất những năm đầu 1980 hơn 90.000 chiếc đã được xuất xưởng.

Thời kì Chiến tranh lạnh, T-54/55 được sử dụng ở nhiều cuộc xung đột trên thế giới. Hơn nửa thế kỉ trôi qua, T-54/55 vẫn hiện diện với vai trò xe tăng chiến đấu chủ lực, là xương sống của lực lượng tăng - thiết giáp nhiều quốc gia trên thế giới.

T-55 của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nguồn ảnh: Báo QĐND

KMDB đã cho ra đời nhiều mẫu xe tăng chiến đấu huyền thoại như T-34, T-54 và T-80.

Gói nâng cấp T-55AGM do Cục Thiết kế chế tạo máy Kharkiv Morozov (Ukraine) cung cấp.

Phiên bản nâng cấp T-55AGM tập trung nâng cấp vũ khí, hệ thống điều khiển hỏa lực, tăng khả năng bảo vệ, và tính cơ động.
Hỏa lực mạnh

Phần hiện đại hóa vũ khí gồm pháo nòng trơn KBM1 125mm hoặc pháo nòng trơn KBM2 120mm (biến thể KBM1 phù hợp với tiêu chuẩn NATO). KBM1 125mm dài 6m, nặng 2.500kg, có khả năng bắn các loại đạn:

- Đạn xuyên giáp có cánh đuôi ổn định dùng một lần (APFSDS)
- Đạn nổ lõm chống tăng (HEAT)
- Đạn thuốc nổ phá mảnh (HE-FRAG)
Số lượng đạn 125mm mang trên xe khoảng 30 viên (có 18 viên nằm trong thiết bị nạp đạn tự động).

Pháo nòng trơn KBM1 125mm.

- Súng máy đồng trục KT - 7,62mm hoặc PKT - 7,62mm đặt ở bên phải pháo chính 125mm. Số lượng đạn khoảng 3.000 viên.

- Súng máy phòng không KT - 12,7mm hoặc NSVT - 12,7mm đặt ở nóc tháp pháo ngay trên vị trí ngồi của chỉ huy xe.

Súng máy 12,7mm được sử dụng để chống mục tiêu trên không tầm thấp, hoặc các loại xe thiết giáp hạng nhẹ di chuyển trên mặt đất. Tầm bắn ban ngày khoảng 2.000, và ban đêm là 800m.

Ngày nay, để bắn súng máy 12,7mm, xạ thủ không còn phải phơi mình ra bên ngoài mà sử dụng hệ thống điều khiển tự động trong xe, giảm nguy cơ trúng đạn.
Súng máy phòng không 12,7mm

- Tên lửa chống tăng có điều khiển bắn qua nòng, có cự ly bắn khoảng 5.000m với độ chính xác cao. Loại tên lửa này sử dụng hai đầu đạn công phá các loại xe tăng trang bị giáp phản ứng nổ (ERA) hoặc giáp tổng hợp hiện đại.

Ngoài ra, phiên bản nâng cấp T-55AGM còn được lắp đặt thiết bị nạp đạn tự động. Sự thay đổi này cho phép tăng tốc độ bắn lên 8 viên/phút.

Điều khiển bắn hiện đại

T-55AGM được lắp đặt hệ thống điều khiển bắn hiện đại, trợ giúp pháo thủ, chỉ huy xe bắn chính xác mục tiêu tĩnh và mục tiêu động trong khi xe đứng yên hoặc di chuyển.

Hệ thống điều khiển gồm: kính ngắm ban ngày và ban đêm 1K14 cho pháo thủ, kính ngắm ảnh nhiệt với camera nhiệt MATIS, hệ thống ngắm và quan sát PNK-4S cho trưởng xe, kính ngắm PZU-7 dùng cho súng máy phòng không, hệ thống điều khiển súng máy phòng không 1Ets29M, máy tính đường đạn LIO-V và một số thiết bị khác.
Kính ngắm ban ngày và ban đêm dành cho thành viên tổ lái.

Lớp bảo vệ chắc chắn
T-55AGM được trang bị các lớp giáp bị động và hệ thống giáp phản ứng nổ (ERA) - thuốc nổ đặt trong các hộp thép bên ngoài giáp chính xe tăng.
Nguyên lý hoạt động của ERA là sử dụng hiệu ứng nổ lõm tạo ra sức nổ mang luồng năng lượng cao làm giảm sức công phá của đạn hoặc tên lửa bắn vào xe tăng.

Thuốc nổ ERA không thể bị phá hủy bởi các loại súng dùng cỡ đạn 7,62 - 12,7mm  hoặc đạn pháo tự động cỡ 30mm, đồng thời cũng không bắt cháy.

Ngoài ra, một hệ thống chống xạ - sinh - hóa cho phép bảo vệ tốt kíp lái và các trang bị bên trong khi phải đổi phó với vụ nổ hạt nhân, chất phóng xạ, chất độc, vi khuẩn độc hại của chiến tranh sinh học hoặc hóa học. Hệ thống này bao gồm: thiết bị dò tìm chất hóa học và bức xạ PRKhR - M, máy lọc không khí và thông hơi FVU.
T-55AGM có lớp giáp phản ứng nổ, 12 ống phóng lựu đạn khói 2 bên tháp pháo.

Đặc biệt, T-55AGM còn được lắp hệ thống tạo màn khói mù tăng khả năng tự bảo vệ cho xe. Thiết bị này gồm 12 ống phóng lựu đạn khói cỡ 81mm. Khi được kích hoạt, nó sẽ tạo ra màn khói mù làm lệch hướng bay của các loại tên lửa chống tăng dẫn đường laser bán chủ động.

Hệ thống chữa cháy trên xe hoàn toàn tự động, tự phát hiện và ngăn chặn lửa, bảo đảm an toàn cho tổ lái bên trong.

Động cơ mới, xe chạy nhanh

T-55AGM sử dụng động cơ diesel 5TDFM đa nhiên liệu làm mát bằng nước cho phép xe đạt tốc độ trung bình trên đường bằng phẳng 40-45 km/h và tối đa 70 km/h (trong khi T-55 khi chưa nâng cấp chỉ là 50 km/h trên đường bằng).

Tốc độ trên đường lầy là 35 km/h, hơn hẳn so với T-55 đời cũ. Tầm hoạt động lớn nhất của T-55AGM là 500km.