Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

'Choáng' với robot quân sự Việt Nam

Có thể tự tay chế tạo một con robot quân sự, có thể thu - gỡ bom, tải thương.... là mong muốn chung của 4 chàng sinh viên năm cuối ngành Cơ - điện tử,  ĐH Bách Khoa Hà Nội. Để biến điều đó thành hiện thực, họ đã miệt mài quên ăn ngủ trong hơn 3 tháng ròng.
Chúng tôi (PV) đến xưởng cơ khí Bảo Long nằm trong con ngõ nhỏ trên đường Ngô Gia Tự (quận Long Biên, Hà Nội) vào một buổi trưa hè oi bức. Mặc dù vậy, không khí làm việc hăng say để thực thiện nốt những công đoạn cuối cùng, chế tạo Vietbot1 (tên gọi robot quân sự do nhóm chế tạo).

Nhóm bạn trẻ bao gồm: Trần Xuân Phong, Ngô Đức Anh, Nguyễn Đình Anh và Nguyễn Duy Long đều là sinh viên năm cuối ngành Cơ điện tử, khoa Cơ khí, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Nhằm chạy đua với thời gian để hoàn thành đúng tiến độ, 4 chàng sinh viên đã dồn toàn bộ công sức vào việc chế tạo và thử nghiệm trong hơn 3 tháng qua.
Có hình dáng tương tự xe bọc thép

Trao đổi với Đất Việt, trưởng nhóm Trần Xuân Phong cho biết: “Ý tưởng ban đầu của nhóm là chế tạo một robot có khả năng gắp vật nặng và di chuyển tới chỗ khác. Trong quá trình thiết kế, nhóm nhận thấy loại robot này có nhiều ứng dụng rất triển vọng, gồm rà phá bom mìn, thao tác ở những nơi mà con người không thể tiếp cận như khu vực nhiễm phóng xạ, hóa chất độc hại…".

Sản phẩm của nhóm được đặt tên là Vietbot1, có hình dáng tương tự một chiếc xe bọc thép, kích thước dài 1,5m, rộng 0,8m, cao 2m), khối lượng 300 kg, di chuyển trên 6 bánh hơi. Điểm nổi bật ở Vietbot1 là sử dụng cánh tay công gắp RP có khả năng quay 360 độ, có thể tháo lắp và thay thế bằng một mô-đun, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ. Cánh tay máy có tầm vươn xa 2 m, gồm 5 bậc tự do được vận hành bằng động cơ điện có thể gắp và giữ vật nặng tới 20kg.
Vietbot1 trên bãi thử. Ảnh: Tuấn Linh
Gắp thả vật nặng với cánh tay máy là nhiệm vụ chính của Vietbot1. Tuy nhiên, robot này có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác. Ảnh: Tuấn Linh
Một điều thú vị đó là, mặc dù được chế tạo cho mục đích gỡ bom mìn, tuy nhiên Vietbot1 vẫn đủ khả năng chịu tải trọng lớn (khoảng 400 kg), điều này sẽ thực sự phát huy hiệu quả trong điều kiện chiến tranh nếu cần tải thương hoặc vận chuyển vũ khí.

Chạy động cơ xăng

Yêu cầu robot phải di chuyển được trên nhiều loại địa hình khác nhau, đồng thời có thể đảm bảo hoạt động liên tục trong thời gian dài nên nhóm đã quyết định trang bị cho robot động cơ xăng. "Nếu sử dụng động cơ điện như các loại robot phổ biến trên thế giới hiện nay, chi phí sẽ rất đắt trong khi hiệu quả lại không cao", Xuân Phong cho biết.

Với động cơ xăng 100cc, truyền động cầu sau, chiếc xe có khả năng đạt vận tốc lên tới 30 km/h trên đường bằng, đủ sức để vượt qua các địa hình không bằng phẳng, lầy lội, cát lún… Thiết kế các bánh xe theo cơ cấu đòn gánh giúp xe luôn bám đường đảm bảo sự linh hoạt và ổn định trong di chuyển. Tất cả quá trình từ khởi động, sang số, lái xe và vận hành cánh tay máy đều được điều khiển từ xa. Tầm điều khiển có thể xa tới 2km.
Sử dụng động cơ xe máy nhưng Vietbot1 cài số lùi.
Ảnh: Tuấn Linh
Việc điều khiển Vietbot1 thực hiện hoàn toàn bằng bộ điều khiển từ xa.
Ảnh: Tuấn Linh
Xuân Phong cho biết: “Quá trình bắt tay vào việc chế tạo hết sức gian nan. Nhóm đã phải tham khảo thêm rất nhiều tài liệu, đồng thời đi đến nhiều nơi để tìm kiếm các thiết bị cần thiết. Đưa động cơ xăng vào con robot không hề đơn giản do thiết kế cơ cấu truyền động khó khăn hơn nhiều so với động cơ điện. Tuy nhiên, ưu điểm của nó là sức mạnh, tốc độ, sự ổn định và không phải mất thời gian chờ để sạc pin. Với điều kiện thời tiết và địa hình Việt Nam thì đây là lựa chọn tối ưu”.

Khó khăn đầu tiên mà nhóm gặp phải đó là giải quyết làm sao để xe có thể đi lùi được. Do sử dụng động cơ xe gắn máy nên không thể điều khiển xe nếu thiếu hộp số lùi. Trong quá trình tìm kiếm, 4 chàng sinh viên đã tình cờ đặt chân tới xưởng cơ khí Bảo Long (Q.  Long Biên, Hà Nội).

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Ngọc Bảo, chủ xưởng cơ khí Bảo Long, cho biết: ”Khi nhóm sinh viên tới đây đặt vấn đề tìm mua thiết bị để chế tạo robot, chúng tôi hết sức ủng hộ và giúp đỡ. Đồng thời, để tiện lợi cho công việc, tôi cho phép các cháu sinh viên được chế tạo robot ngay tại xưởng. Chúng tôi giúp đỡ về mặt kết cấu khung thân để chiếc xe có thể chịu tải và chống va đập tốt hơn. Qua một thời gian làm việc cùng nhau, tôi thấy các cháu đều là những người có kiến thức, sáng tạo và rất chăm chỉ nhiệt tình trong công việc”.

Chật vật vượt rào cản tài chính

Ròng rã trong 3 tháng trời, nhóm sinh viên có chung một lịch trình đều đặn: sáng 6h đi từ trường sang xưởng, chiều tối mịt mới quay về. Trong điều kiện hết sức khó khăn về nhiều mặt, các bạn trẻ vẫn nỗ lực hết mình để sản phẩm có thể hoàn thành đúng thời gian.

Phong tâm sự: “Mọi công việc đều gác lại để tập trung chế tạo robot. Đôi khi nhóm làm việc quên ăn quên ngủ, tới tận 22-23h mới về nhà. Rất nhiều khó khăn ập đến, từ việc giải quyết các bài toán thiết kế cho đến kinh phí chế tạo. Hiện tại, do hết kinh phí nên một số bộ phận của Vietbot1 vẫn chưa được hoàn thành như ý tưởng ban đầu”.
Vietbot1 và nhóm chế tạo. Ảnh: Tuấn Linh
Cho đến thời điểm hiện tại, số tiền bỏ ra để chế tạo robot khoảng hơn 40 triệu đồng, đều là do các sinh viên tự bỏ ra, hoàn toàn không có sự hỗ trợ nào. Tuy vậy, rào cản về tài chính không ngăn được sự say mê sáng tạo và nỗ lực của tuổi trẻ.

Nhóm Vietbot1 cho biết: “Nếu so với giá thành các loại robot nước ngoài thì sản phẩm của nhóm có giá thấp hơn vài chục lần. Tất nhiên mỗi loại có một ưu điểm khác nhau, nhưng nếu robot này được thương mại hóa thì hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các robot nước ngoài”.

Hiện nay, công việc chế tạo và thử nghiệm robot đã hoàn tất. Mong muốn lớn nhất của các bạn sinh viên đó là sau khi tốt nghiệp đại học, họ có thể hợp tác với một công ty nào đó để hoàn thiện hơn sản phẩm của mình để có thể thương mại hóa sản phẩm. Đó cũng là niềm khao khát của tuổi trẻ, muốn góp sức mình vào công cuộc bảo vệ an ninh Tổ Quốc, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Vừa qua, Bộ Quốc phòng đã nhập khẩu và cải tiến một loại robot của Đức có tên Grizzly.  Đây là một trong những thiết bị hiện đại phục vụ xử lý bom mìn, vật nổ. Robot có khả năng gắp và vận chuyển các vật thể như bom, mìn, vật nổ, chất độc hóa học... có kích thước, khối lượng phù hợp với khả năng của nó, rồi đưa chúng từ vị trí nguy hiểm tới nơi an toàn trong phạm vi, quãng đường và địa hình cho phép. 

Grizzly được Việt Nam cải tiến.
Ảnh: quandoinhandan.org.vn.

Xét về mặt công dụng, Vietbot1 và Grizzly có những điểm tương đồng nhau. Đất Việt đã làm một so sánh nhỏ như sau:

Chú thích: (1) Nâng thấp: 60 Kg; (2) Không kèm máy phát điện gắn sau xe; (3) Tùy thuộc vào dung tích bình xăng gắn kèm, có thể thay đổi được.

Bảng so sánh cho thấy, mặc dù Vietbot1 chỉ là mẫu thử nghiệm đầu tiên, nhưng đã có một số ưu điểm so với Grizzly đáng chú ý như: vận tốc cao hơn, tầm xa cánh tay lớn hơn và đặc biệt là thời gian hoạt động kéo dài do sử dụng động cơ xăng thay cho động cơ điện.

Trong một thử nghiệm của Đất Việt, chiếc xe đã vận hành liên tục được trong 3 giờ đồng hồ. Giá thành của Vietbot1 cũng thấp hơn hàng chục lần so với sản phẩm ngoại nhập.

Như vậy, nếu có sự đầu tư nghiên cứu và phát triển, sản phẩm robot gỡ bom của các bạn sinh viên sẽ có rất nhiều tiềm năng ứng dụng trong thực tiễn, đặc biệt là đối với điều kiện kinh tế và khí hậu nước ta.

Nguồn : Baodatviet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét