Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Ấn Độ giúp Việt Nam nâng cấp MiG-21

Trong thời gian vừa qua Ấn Độ đã giúp nâng cấp hơn 100 MiG-21 của Việt Nam lên chuẩn MiG-21 Bison của Ấn Độ.

Mig-21 Bison là gói nâng cấp hiện đại nhất của Mig-21, và có lẽ đây cũng là gói nâng cấp cuối cùng của loại máy bay huyền thoại này.

Gói nâng cấp mới bao gồm, trang bị radar xung Doppler, nâng cấp hệ thống điện tử. Trang bị cảm biến cảnh báo tên lửa từ Pháp, cảm biến cảnh báo radar (RWR)  được phát triển bởi  DRDO của Ấn Độ. Hệ thống điều hòa không khí mới, thanh điều khiển HOTAS,  máy tính thế hệ mới, radio tầm ngắn thế hệ mới hoạt động ở băng tần VF, VHF, UHF.  Hệ thống tìm kiếm mục tiêu bằng tia hồng ngoại từ Nga, buồng lái được trang bị hai màn hình LCD Sextan MFD-55.  Kính chắn gió một mảnh bằng vật liệu tổng hợp. Màn hình hiển thị HUD.

Gói nâng cấp mới cung cấp khả năng không chiến ngoài tầm nhìn với tên lửa RW-AE R-77. Các thử nghiệm tại Ấn Độ cho thấy gói nâng cấp MiG-21 Bison đạt khả năng không chiến ngang ngửa thậm chí là vượt trội so với F-16 đời đầu.

Ngoài ra Ấn Độ đã chuyển giao cho Hải quân Nhân dân Việt Nam nhiều phụ tùng và thiết bị quan trọng để nâng cấp các tàu chiến từ thời Liên Xô. Đặc biệt là chương trình hoán cải các tàu Petya để có thể trang bị tên lửa chống hạm.

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ được xây đắp từ những năm 1950,  quan hệ quốc phòng được bắt đầu từ những năm 1990. Năm 2009 hai bên đã ký bản ghi về việc nâng quan hệ hai bên lên tầm đối tác chiến lược. Ấn Độ và Việt Nam đã quyết định xích lại gần nhau hơn trong bối cảnh thế giới phức tạp.

Trong hơn một thập kỷ qua, với khả năng của mình Ấn Độ đã giúp Việt Nam cũng cố, hiện đại hóa không quân và hải quân. Cũng cố quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam là một phần trong chiến lược dài hạn “Hướng về phía Đông”.

'Ngựa chiến' già nua MiG-21 và chương trình hiện đại hóa

Tuy lỗi thời so với các chiến đấu cơ thế hệ mới, MiG-21 vẫn đóng vai trò là tiêm kích chủ lực trong không quân nhiều quốc gia. Để đáp ứng các yêu cầu mới, một số nước đã đưa ra các chương trình hiện đại hóa, nâng cấp MiG-21.

Sau đây là một số chương trình nâng cấp - hiện đại hóa điển hình:

Chương trình MiG-21Lancer (Không quân Romania)

MiG-21 Lancer là kết quả của chương trình hợp tác giữa Elbit system (Israel) và Aerostar SA (Romania) nhằm hiện đại hóa hơn 100 tiêm kích MiG-21M/MF/bis cho Không quân Romania.

MiG-21 Lancer của không quân Romania

Lancer được trang bị nhiều thiết bị điện tử mới, như hệ thống định vị tiên tiến hỗ trợ hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và cải thiện khả năng tác chiến ban đêm của MiG-21 như VOR/ILS, INS và ADF. Bên trong buồng lái được cải tiến nhiều, mang lại sự tiện nghi, thoải mái cho phi công. Về mức độ an toàn bay cũng nâng cao hơn.

Buồng lái của phiên bản MiG-21 Lancer A.
Buồng lái của MiG-21 Lancer C.

Hệ thống vũ khí ngoài pháo GSh-23 23mm, Lancer mang được tên lửa không đối không tầm ngắn R-60, R-73. Đặc biệt hơn, chúng đã cải tiến lắp đặt cả những vũ khí của phương tây như Python 3 và Magic 2.

Ngoài ra, MiG-21 Lancer cũng cải thiện khả năng trang bị vũ khí chính xác cao, vũ khí dẫn đường bằng laser. Bên cạnh đó là những loại bom, rocket không điều khiển.

Chương trình MiG-21 Lancer của Romania chia thành ba phiên bản:

-MiG-21 Lancer A là phiên bản nâng cấp với nhiệm vụ tấn công mặt đất trang bị vũ khí có điều khiển.
-MiG-21 Lancer B là phiên bản huấn luyện chiến đấu của Lancer với hai chỗ ngồi.
-MiG-21 Lancer C là phiên bản chiến đấu chiếm ưu thế trên không, lắp đặt radar điều khiển hỏa lực EL/M-2032, thiết bị hiển thị mục tiêu trên mũ phi công, phía trong buồng lái có hai màn hình tinh thể lỏng đa năng hiển thị thông số kỹ thuật bay.

Phiên bản tấn công mặt đất MiG-21 Lancer A.
Phiên bản huấn luyện chiến đấu MiG-21 Lancer B.
Phiên bản chiến đấu chiếm ưu thế trên không MiG-21 Lancer C.

Hiện nay, Romania có kế hoạch sẽ thay thế MiG-21 Lancer vào năm 2010-2011 bằng các chiến đấu cơ thế hệ mới gồm Eurofighter Typhoon, F-16 và JAS-39 Gripen. Dự trù kinh phí cho kế hoạch lên tới 6,2 tỉ USD bao gồm cả công tác huấn luyện và các hỗ trợ khác.

Chương trình MiG-21-2000 (Israel)

MiG-21-2000 là chương trình nâng cấp tiêm kích đánh chặn tầm gần MiG-21 do Israel thực hiện. Chương trình MiG-21-2000 tập trung vào nâng cấp thiết bị điện tử hàng không, cải tiến buồng lái và hệ thống vũ khí.

Máy bay tiêm kích và tấn công mặt đất MiG-21-2000.

Buồng lái của MiG-21 nguyên bản được đánh giá là thiếu các thiết bị điện tử hàng đại cần có trên một chiến đấu cơ thế hệ mới, đồng thời không gian chật chội không thoải mái. Do vậy, MG-21-2000 tập trung nhiều vào nâng cấp buồng lái bao gồm: lắp màn hình hiển thị trước mặt (HUD), màn hình màu đa năng nằm ngang tầm mắt, thiết bị điều khiển HOTAS và cặp thiết bị bán dẫn camera (CCD).

Buồng lái nâng cấp của MiG-21-2000.

Ngoài ra, đối với phi công,họ trang bị hệ thống hiển thị và ngắm bắn trên mũ (DASH) cho phép nhận biết, phát hiện sớm kẻ địch, điều khiển ngắm bắn mục tiêu một cách dễ dàng.

Hệ thống dẫn đường trên máy bay cải tiến với hệ thống định vị toàn cầu (GPS), hệ thống định vị quán tính (INS), máy tính truyền dẫn dữ liệu trên không đảm bảo tăng khả năng dẫn đường và bắn vũ khí đạt độ chính xác cao.

MiG-21-2000 cũng được trang bị radar điều khiển hỏa lực EL/M-2032 có tầm hoạt động 46 km, theo dõi đồng thời 8 mục tiêu cùng lúc và tiêu diệt một trong số đó.

Gói nâng cấp MiG-21-2000 cho phép máy bay có khả năng không chiến ngoài tầm nhìn. Chúng mang bốn tên lửa trên bốn giá treo gồm: tên lửa không đối không AA-2 Atoll, tên lửa chống radar AA-2C, tên lửa không đối không tầm trung Python 3 và bom dẫn đường laser MBT Griffin.

Theo một số nguồn tin, srael đang hợp tác nâng cấp MiG-21 của Campuchia và Zambian lên tiêu chuẩn MiG-21-2000.

Chương trình MiG-21-93 (Nga)

MiG-21-93 là chương trình nâng cấp được thực hiện dựa trên sự phối kết hợp của nhiều công ty chế tạo vũ khí của Nga gồm: tập đoàn Rosvoorouzhenie state, nhà máy chế tạo máy bay Sokol, công ty Phazontron-NIIR, MAPO-MiG và GosNIIAS.

MiG-21-93 được phát triển trở thành tiêm kích đánh chặn đa nhiệm vụ, trang bị các hệ thống thiết bị điện tử hàng không tiên tiến, mang vũ khí có điều khiển, vũ khí có độ chính xác cao. Đáp ứng các nhiệm vụ không chiến, tấn công mặt đất.

Máy bay tiêm kích - đánh chặn đa nhiệm MiG-21-93 của không quân Ấn Độ.

Thực sự, chương trình MiG-21-93 có sự khác biệt rõ rệt so với MiG-21 Lancer và MiG-21-2000. Trong khi Israel và Romania chú ý đến cải tiến nhiều về trang bị buồng lái phi công, đem lại sự tiện nghi thoải mái, trong khi hệ thống vũ khí vẫn chưa có quá nhiều sự khác biệt. Người Nga lại tập trung chăm chút nhiều hơn cho hệ thống hỏa lực của máy bay và chỉ cải tiến nhỏ trong buồng lái.

Trong buồng lái của MiG-21-93, người Nga trang bị thêm màn hình hiển thị trước mặt (HUD), thiết bị hiển thị mục tiêu trên mũ phi công, hệ thống định vị quán tính (INS), máy tính truyền dẫn dữ liệu trên không, hệ thống định vị vô tuyến tầm ngắn.

Buồng lái đã được nâng cấp của MiG-21-93

Tiêm kích đánh chặn đa nhiệm MiG-21-93 lắp đặt radar điều khiển hỏa lực Kopyo có những tính năng vượt trội so với EL/M-2032. Ví dụ, tầm hoạt động của Kopyo là 56km cao hơn so với EL/M-2032, Kopyo dò tìm và theo dõi 10 mục tiêu đồng thời tiêu diệt hai trong số đó.

Hệ thống vũ khí của MiG-21-93 có những cải tiến nâng cao hiệu quả chiến đấu rõ rệt. MiG-21-93 mang tên lửa không đối không tầm ngắn R-60, R-73; tên lửa không đối không tầm trung R-27R1/T1, RVV-AE; tên lửa chống radar Kh-25MP; bom có điều khiển dẫn đường bằng TV KAB-500KR.

Tiêm kích đánh chặn đa nhiệm MiG-21-93 mang nhiều vũ khí hiện đại, có độ chính xác cao.

Ngoài ra, MiG-21-93 vẫn mang vũ khí không điều khiển như rocket S-5, S-8, S-13, S-24 và bom 250-500kg. Đánh giá sau khi nâng cấp, khả năng không chiến tầm xa của MiG-21-93 tăng gấp 10 lần và tính năng tổng hợp tăng gấp 3 lần.

Năm 1995, Không quân Ấn Độ đã ký hợp đồng nâng cấp hơn 120 chiếc MiG-21bis lên tiêu chuẩn MiG-21-93. Dự kiến, MiG-21 của Ấn Độ sẽ kéo dài sứ mệnh của mình đến tận năm 2015. 

Tìm hiểu ứng cử viên thay thế MiG - 21 của Ấn Độ

 
Ấn Độ vừa tuyên bố, sẽ loại bỏ các máy bay tiêm kích MiG – 21 ra khỏi biên chế. Nếu không có loại máy bay khác thay thế, không quân nước này chắc chắn có một khoảng trống lớn trong trang bị.

MiG – 21 phục vụ trong không quân Ấn Độ từ những năm 1960. Đến những năm 1990, loại máy bay này gắn liền với nhiều sự cố, khiến nhiều phi công tử nạn.

Năm 1996, Ấn Độ hợp tác với phía Nga tiến hành nâng cấp hiện đại hóa khoảng 120 chiếc MiG – 21 theo tiêu chuẩn Bison. Các máy bay tiêm kích nâng cấp MiG – 21 Bison trang bị ra đa cảnh báo Phazotron Kopyo (theo dõi 8 mục tiêu cùng lúc và khóa – tiêu diệt đồng thời hai mục tiêu trong số đó), máy bay cũng vũ trang các loại tên lửa không đối không hiện đại hơn như R – 27 hay R – 77.

Ấn Độ dự kiến MiG – 21 Bison hoạt động tới năm 2017.
Không chỉ phục vụ tại Ấn Độ, MiG-21 nằm trong biên chế rất nhiều quốc gia khác trên thế giới và nó cũng là tác giả của không ít vụ tai nạn.
Tiêm kích cơ đã được nâng cấp hiện đại hóa MiG-21 Bison.
Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn (khoảng ba năm trở lại đây) có tới 21 vụ rơi máy bay MiG – 21. Với tỉ lệ rủi ro cao như vậy, chính phủ Ấn Độ không thể ngồi yên. Số phận của loại máy bay "huyền thoại" một thời này đã được định đoạt vào ngày 19/4 khi bộ trưởng quốc phòng ATK Antony tuyên bố sẽ loại bỏ các phi đội MiG – 21.

Vì vậy, vấn đề loại máy bay nào sẽ thay thế vai trò của MiG – 21 được đặt ra. Hiện, Ấn Độ sở hữu khá nhiều máy bay chiến đấu đa năng Su – 30 hay MiG – 29. Nhưng số lượng chưa đủ. Một trong những lựa chọn khả thi nhất cho Ấn Độ là sản phẩm nội địa Tejas.
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ đa năng Tejas.
Ra đời sau, thừa hưởng nhiều thành tựu khoa học công nghệ quốc phòng hiện đại, so sánh với MiG – 21 thì Tejas là máy bay chiến đấu cơ đa năng hạng nhẹ một động cơ, hoàn toàn vượt trội về mọi mặt.

Hình dạng Tejas được thiết kế với kiểu cánh tam giác, phần đuôi không có cánh thăng bằng đuôi và không được hỗ trợ cánh mũi. Trọng lượng máy bay rất nhẹ với các loại vật liệu tổng hợp.

Hệ thống điện tử trên máy bay hiện đại bao gồm: các màn hình tinh thể lỏng đa năng (trong buồng lái); màn hình hiển thị trước mặt phi công (HUD); hệ thống bay tự động hiện đại fly – by – wire; bộ thiết bị định vị là sự kết hợp của hệ thống định vị toàn cầu và hệ thống định vị quán tính con quay hồi chuyển laze vòng Sagem SIGMA 95N.

Đối với phi công ngoài ghế phóng khẩn cấp, họ được trang bị thiết bị hiển thị thông tin trên mũ. Bên trong buồng lái bố trí hệ thống điều hòa môi trường.
Buồng lái của Tejas trang bị rất nhiều thiết bị điện tử hàng không tiên tiến.
Máy bay được chế tạo với 8 giá treo mang vũ khí, Tejas vũ trang các loại tên lửa không đối không, không đối đất, không đối hạm, bom chính xác cao và rocket của Nga.

Ngoài ra, trong máy bay bố trí pháo hai nòng cỡ 23 mm dùng cho không chiến tầm cực gần.
Tejas trang bị hầu hết vũ khí của Nga. Trong một cuộc thử nghiệm cuối năm 2007, Tejas đã bắn thử thành công tên lửa không đối không Vympel R-73.
Về động cơ của Tejas, nguyên mẫu được trang bị động cơ phản lực cánh quạt đẩy General Electric F404 – GE – F2J3. Nhưng khi đưa vào sản xuất thì Tejas được đề nghị sử dụng động cơ F404 – GE – IN20. (Năm 2007, Ấn Độ đã mua 24 động cơ loại này).

Tejas đạt vận tốc siêu âm 2.376 km/h, trần bay 16.500 m và tầm bay rất lớn lên tới 3.000 km (trong khi MiG – 21khoảng 1.200 km).

Dự kiến Tejas bắt đầu phục vụ vào năm 2011. Ấn Độ cần khoảng 140 chiếc Tejas trang bị cho 7 phi đội không quân. Mỗi chiếc Tejas có giá khá "mềm" 21 triệu USD.

Nguồn: baodatviet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét